Chaikin Money Flow (CMF)

Chaikin Money Flow (CMF) là gì? Cách giao dịch với CMF

Chaikin Money Flow (CMF) là gì? Trong số các chỉ báo thuộc hệ thống các volume indicators trên thị trường hiện nay thì đây chính là chỉ báo được đánh giá là tốt nhất. Chỉ báo liên quan đến khái niệm về khối lượng dòng tiền và nó có những công thức cũng như cách thức giao dịch riêng biệt. Vì vậy, trong bài viết này, Exness sẽ giải đáp cho bạn CMF là gì và hướng dẫn giao dịch với chỉ báo này sao cho hiệu quả.

Tìm hiểu thế nào là khối lượng dòng tiền?

Khái niệm khối lượng dòng tiền

Trước khi tìm hiểu một cách cụ thể Chaikin Money Flow (CMF) là gì thì bạn cần nắm được khái niệm về khối lượng dòng tiền bới thuật ngữ này có liên quan trực tiếp đến chỉ báo mà chúng ta đang tìm hiểu.

Khối lượng dòng tiền hiểu đơn giản là chính lượng tiền giao dịch, mua bán tài sản trong một giai đoạn nhất định nào đó. Nói một cách cụ thể, khối lượng dòng tiền sẽ phản ánh có bao nhiêu tiền được đổ ra ngoài thị trường trong khoảng thời gian nhất định đó.

Khối lượng dòng tiền là sự phản ánh mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến các loại tài sản giao dịch. Nếu khối lượng này lớn thì chứng tỏ mức độ quan tâm của các nhà đầu tư là khá cao. Ngược lại nếu khối lượng này giảm đi thì đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang chần chừ chưa đưa ra quyết định hoặc ít quan tâm đến tài sản.

Tầm quan trọng của việc nghiên cứu khối lượng dòng tiền trên thị trường Forex

Xác định động lực xu hướng

Trong giao dịch forex, việc đo lường khối lượng dòng tiền là một thao tác quan trọng hỗ trợ các trader trong việc xác định được động lực của xu hướng hiện tại. Từ đó có thể phán đoán được thời gian tới, xu hướng sẽ diễn biến như thế nào.

Lực của xu hướng được xác định bởi khối lượng dòng tiền. Nếu trong một xu hướng tăng của thị trường, khối lượng dòng tiền cũng diễn biến tăng thì chứng tỏ đà tăng của thị trường đang khá mạnh. Còn nếu khối lượng dòng tiền giảm thì khả năng cao sẽ xảy ra sự đảo chiều xu hướng giá bởi điều này cho thấy các trader đang khá chần chừ. Ngược lại, khi thị trường đang trong một xu hướng giảm mà khối lượng dòng tiền tăng cao thì điều đó phản ánh lực bán đang trên một đà tăng khá mạnh. Còn nếu khối lượng này giảm có nghĩa là lực bán cũng giảm dần và khả năng thị trường đảo chiều là khá cao.

Đo lường thanh khoản

Ngoài ra, khối lượng dòng tiền còn có vai trò đo lường tính thanh khoản của thị trường. Khối lượng dòng tiền của một loại tài sản nào đó lớn chứng tỏ tài sản đó được giao dịch nhiều trên thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc tính thanh khoản cũng khá cao.

Ngược lại, nếu một loại tài sản có khối lượng dòng tiền nhỏ cho thấy nó ít nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư và tính thanh khoản cũng thấp hơn. Các trader giao dịch trong ngày hoặc giao dịch lướt sóng cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề tính thanh khoản. Bởi bạn sẽ được cung cấp báo giá tốt nhất từ những tài sản có tính thanh khoản cao và điều này sẽ giúp chi phí giao dịch của bạn được tiết kiệm.

Chaikin Money Flow (CMF) là gì? Lịch sử hình thành và công thức tính CMF

Chaikin Money Flow (CMF) là gì?
Chaikin Money Flow (CMF) là gì?

Sau khi đã hiểu về khái niệm dòng tiền, chúng ta sẽ tìm hiểu xem chỉ báo CMF là gì. Chaikin Money Flow hiểu theo nghĩa tiếng Việt là “Dòng tiền Chaikin”. Năm 1966, Marc Chaikin đã phát triển loại chỉ báo này. Trên thị trường, ông là một nhà môi giới chứng khoán, một nhà giao dịch, một nhà phân tích và đồng thời là trưởng bộ phận quyền chọn của một broker hàng đầu tại phố Wall.

Vào năm 2011, Chaikin Analytics đã được Marc Chaikin thành lập cùng với các cộng sự của mình. Đây là một nền tảng có vai trò cung cấp cho các nhà đầu tư các ý tưởng giao dịch, phân tích chứng khoán đã được kiểm chứng. Mô hình Chaikin Power Gauge chính là nền tảng để thực hiện các ý tưởng và thân tích này. Đây chính là mô hình alpha 20 nhân tố với tính hiệu quả cao đã được chứng minh bằng việc xác định tiềm năng cổ phiếu.

Vậy Chaikin Money Flow – CMF là gì? CMF là sự kết hợp giữa khối lượng giao dịch và giá để biểu hiện dòng tiền ra/ vào trên thị trường trong một khoảng thời gian nhất định của một loại tài sản nào đó. Những biến động của dòng tiền đó sẽ chính là cơ sở để đánh giá được áp lực mua/bán từ thị trường.

Công thức tính Chaikin Money Flow (CMF) là gì?

Trong phần mềm, chỉ báo này có chu kỳ mặc định là 20 kỳ. Tuy nhiên chu kỳ 21 cũng là một con số được khá nhiều các trader áp dụng và nó cũng chính là chu kỳ được chính cha đẻ của CMF sử dụng.

CMF có công thức như sau:

CMF (21): Tổng khối lượng dòng tiền trong 21 kỳ/Tổng khối lượng giao dịch trong 21 kỳ.

Trong đó:

Khối lượng dòng tiền mỗi kỳ sẽ được tính theo công thức: Hệ số dòng tiền x Khối lượng giao dịch

Hệ số dòng tiền được tính theo công thức: [ (Close – Low) – (High – Close) ]/ (High – Low)

Các thông số lần lượt gồm có: Close là giá đóng cửa, High là giá cao nhất, Low là giá thấp nhất mỗi kỳ hoặc mỗi phiên giao dịch.

Hệ số dòng tiền có thể dao động âm dương trong các khoảng từ -1 đến 1, vì thế các giá trị CMF có thể ở mức âm hoặc dương. Đường trung tâm của chỉ báo sẽ là đường ngang 0.0.

Cách cài đặt chỉ báo Chaikin Money Flow (CMF) tại nền tảng MT4

Cài đặt chỉ báo

Trên phần mềm MT4, chỉ báo CMF không có sẵn. Vì thế bạn phải tiến hành tải về và cài đặt để có thể sử dụng chỉ báo tại nền tảng giao dịch này.

Trước hết, bạn cần tải chỉ báo này về máy. Sau khi đã tải xuống thành công thì bạn cần tiến hành giải nén và copy file chaikin-money-flow-indicator vào bộ nhớ tạm Ctrl +C

Copy và giải nén file chaikin-money-flow-indicator
Copy và giải nén file chaikin-money-flow-indicator

Tiếp theo, bạn truy cập vào phần mềm MT4, chọn mục File, nhấn vào mục Open Data Folder. Lúc này, một hộp thoại sẽ xuất hiện. Tại đây, bạn sẽ lựa chọn thư mục MQL4 và tiếp tục nhấn chọn Indicators. Sau đó bạn dán file chỉ báo CMF đã copy phía trên vào mục này là đã hoàn thành.

Sau khi dán, bạn sẽ thấy sự xuất hiện của Chaikin Money Flow (CMF) cùng các chỉ báo khác trong danh sách những chỉ báo đã có tại nền tảng MT4.

Chaikin Money Flow (CMF) trong danh sách các chỉ báo đã có tại MT4
Chaikin Money Flow (CMF) trong danh sách các chỉ báo đã có tại MT4

Sau khi đã cài đặt thành công, các bạn hãy đóng phần mềm này và mở lại để khởi chạy từ đầu, tại phần Custom của Indicators sẽ xuất hiện chỉ báo Chaikin Money Flow (CMF).

Chèn chỉ báo vào đồ thị

Tiếp theo, các bạn sẽ tiến hành chèn chỉ báo CMF vào đồ thị. Các bạn hãy thao tác lần lượt theo các mục sau: Insert, Indicators, Custom, Chaikin Money Flow Indicator.

Các thao tác chèn Chaikin Money Flow (CMF) vào đồ thị
Các thao tác chèn Chaikin Money Flow (CMF) vào đồ thị

Lúc này, giao diện sẽ hiển thị hộp thoại cài đặt như hình bên dưới.

Hộp thoại cài đặt chỉ báo Chaikin Money Flow (CMF)
Hộp thoại cài đặt chỉ báo Chaikin Money Flow (CMF)

Ở hộp thoại này, các mục mà bạn cần quan tâm gồm có Input, Colors, Levels và Visualization. Trong đó:

Input: Bạn sẽ lựa chọn chu kỳ của chỉ báo tại mục này. Chu kỳ mặc định của hệ thống sẽ là 20. Để thay đổi điều đó, ở số 20, các bạn hãy nhấp đôi chuột và tiến hành thay đổi theo chiến lược giao dịch của mình. Cuối cùng, nhấn OK để hoàn thiện.

Colors: Đây là mục lựa chọn màu sắc của chỉ báo.

Levels: Các giá trị sẽ được thêm vào hoặc bớt ra tùy ý. Thông thường, đường 0.0 sẽ được các trader thêm vào khi giao dịch với chỉ báo CMF.

Các mục đáng chú ý tại cửa sổ cài đặt
Các mục đáng chú ý tại cửa sổ cài đặt

Để thêm các đường 0.0 vào đồ thị, các bạn nhấn chọn nút Add. Tại cột Level, hãy nhập giá trị 0.0 và nhấn Ok để hoàn tất.

Visualization: Tại đây, bạn sẽ lựa chọn khung thời gian để chỉ báo có thể hiển thị tại đó.

Sau khi các thông số được cài đặt hoàn tất thì trên đồ thị giá sẽ xuất hiện Chaikin Money Flow (CMF) như hình bên dưới:

Chaikin Money Flow (CMF) xuất hiện trên đồ thị giá
Chaikin Money Flow (CMF) xuất hiện trên đồ thị giá

Chỉ báo dòng tiền Chaikin và một số vấn đề liên quan

Đến đây, chắc hẳn các bạn đã hiểu CMF là gì. Trước khi đi vào tìm hiểu chi tiết phương thức giao dịch với chỉ báo này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn 3 vấn đề cần lưu tâm xoay quanh chỉ báo CMF.

Ý tưởng

Đầu tiên, ý tưởng của chỉ báo Chaikin Money Flow (CMF) xuất phát từ việc so sánh phạm vi giao dịch, bao gồm giá thấp nhất và giá cao nhất với giá đóng cửa và khối lượng của tài sản. Từ đó xem xét dòng tiền của tài sản là dòng tiền chạy vào hay chạy ra khỏi thị trường trong một khoảng thời gian nhất định nào đó.

Cụ thể, khi CMF có dấu hiệu tăng lên thì điều đó chứng tỏ đang có khá nhiều người mua cổ phiếu và dòng tiền đang chảy vào thị trường chứng khoán. Ngược lại, nếu CMF có dấu hiệu giảm thì điều này phản ánh việc số người bán chứng khoán đang tăng lên và dòng tiền bắt đầu chảy ra khỏi thị trường.

Ban đầu, cha đẻ của chỉ báo này phát triển và ứng dụng nó trong các giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên hiện nay, tại một số thị trường tài chính khác, đặc biệt là forex, chỉ báo này vẫn được sử dụng khá phổ biến do tính chất dòng tiền có thể hợp thức trên nhiều loại thị trường khác nhau.

Động lực và kết quả

Vấn đề thứ hai mà bạn phải quan tâm là động lực và kết quả, cái nào là giá, cái nào là dòng tiền. Câu trả lời là dòng tiền chính là động lực để thúc đẩy giá đi theo đà tăng hoặc giảm. Kết quả vận động của dòng tiền chính là giá. Trong một thị trường tăng, nếu dòng tiền tăng mạnh theo xu hướng giá thì giá sẽ được đẩy lên cao hơn.

Nếu dòng tiền giảm thì lại là tín hiệu cảnh báo sẽ có thể xảy ra đảo chiều xu hướng. Một xu hướng giảm sẽ xảy ra các trường hợp ngược lại. Vì thế, dòng tiền thường đi trước so với diễn biến giá và nếu muốn xu hướng bền vững thì dòng tiền phải “ủng hộ” giá, nếu không xu hướng sẽ có thể bị gãy ngang.

Tài sản

Thứ ba, tất cả các loại tài sản đều phù hợp với Chaikin Money Flow (CMF). Theo quan điểm phân tích dòng tiền cổ điển, các loại tài sản và cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn thì phải có giá trị vốn hóa lớn. Do đó, người ta chỉ xem xét những dòng tiền lớn khi nhận định các dòng tiền. Chỉ báo Chaikin Money Flow (CMF) cũng đã loại bỏ khỏi công thức tính của nó các biến số về vốn hóa thị trường. Vì thế nó được sử dụng khá rộng rãi với bất cứ loại tài sản nào có dòng tiền, dù dòng tiền đó là lớn hay nhỏ.

Hướng dẫn sử dụng chỉ báo Chaikin Money Flow (CMF)

Vậy là bạn đã nắm được những yếu tố quan trọng liên quan đến CMF là gì rồi phải không? Ngay sau đây sẽ là phần hướng dẫn sử dụng chỉ báo này trên thị trường giao dịch.

Khi sử dụng CMF, một nguyên tắc cơ bản nhất mà bạn cần biết đó là chỉ báo này dựa vào vị trí của nó so với đường trung tâm 0.0, có phần giống với cách sử dụng Oscillators – chỉ báo giao động. Cụ thể như sau:

Khi giá trị của CMF > 0 thì đường CMF nằm phía trên đường 0.0. Đây là dấu hiệu báo hiệu điểm vào lệnh Buy và cho thấy thị trường đang trong giai đoạn tích lũy với áp lực mua khá cao.

Khi giá trị của CMF < 0 thì đường CMF nằm phía dưới đường 0.0. Đây là tín hiệu vào lệnh Sell và cho thấy thị trường đang trong giai đoạn phân phối với áp lực bán khá cao.

Sử dụng tín hiệu giao cắt giữa đường 0.0 với CMF trong giao dịch thuận xu hướng

Bạn tiến hành vào lệnh Buy khi đường CMF cắt đường 0.0 theo hướng từ dưới lên.

Bạn vào lệnh Sell khi đường CMF cắt đường 0.0 theo hướng từ trên xuống.

Vào lệnh Buy vào Sell với tín hiệu giao cắt của đường 0.0 và CMF
Vào lệnh Buy vào Sell với tín hiệu giao cắt của đường 0.0 và CMF

Trên đây là hình minh họa của cặp EUR/ USD trên khung thời gian H1. Có thể nhận ra một cách dễ dàng đường CMF rất thường xuyên giao cắt với đường 0.0 và sau những lần giao cắt đó có khá nhiều tín hiệu sai.

Theo đó, nếu chúng ta căn cứ vào tín hiệu giao cắt giữa đường 0.0 với đường CMF để vào lệnh thì chỉ có duy nhất lệnh Sell 1 có tiềm năng mang về lợi nhuận. Dường như tất cả các lệnh còn lại đều thất bại hoặc nếu thành công thì cũng mang lại lợi nhuận khá thấp, không đủ để bù đắp được các khoản phí giao dịch.

Do đó, giao dịch thuận xu hướng sẽ là một trong những cách tốt nhất để bạn có thể giao dịch với tín hiệu giao cắt này. Nghĩa là khi thị trường đang trong xu hướng tăng, bạn chỉ nên vào lệnh Buy khi đường CMF cắt đường 0.0 từ dưới lên và khi thị trường trong xu hướng giảm, bạn chỉ nên vào lệnh Sell khi đường CMF cắt đường 0.0 theo hướng từ trên xuống.

Bạn sẽ thực hiện các thao tác giao dịch lần lượt như sau:

Bước 1: Nhận định thị trường đang đi theo xu hướng nào

Để nhận biết xu hướng tăng hay giảm của thị trường, các bạn có thể áp dụng nhiều cách thức khác nhau, ví như sử dụng đường MA, đường trendline hoặc đơn giản là quan sát biểu đồ giá. Bạn hãy thu nhỏ đồ thị giá lại để có cái nhìn tổng quan về bức tranh tổng thể của thị trường.

Bước 2: Vào lệnh

Có rất nhiều cách vào lệnh với tín hiệu giao cắt giữa đường 0.0 và đường CMF mà bạn có thể áp dụng. Cụ thể như sau:

Cách 1: Trong một thị trường tăng giá, khi đường 0.0 bị cắt bởi đường CMF theo chiều từ dưới lên thì hãy tiến hành vào lệnh Buy. Còn nếu thị trường đang trong xu hướng giảm thì khi đường CMF cắt đường 0.0 theo chiều từ trên xuống, bạn hãy đặt một lệnh Sell.

Tuy nhiên với các thức vào lệnh này, mặc dù các tín hiệu sai đã được lọc bớt nhưng khả năng bạn gặp phải chúng không phải là không có.

Cách 2: Bạn có thể thêm vào 2 đường +/-0.1 hoặc +/-0.05. Ngay khi đường +0.05 bị cắt bởi đường CMF theo hướng từ dưới lên trong một xu hướng tăng thì bạn hãy vào lệnh Buy. Còn nếu đường -0.05 bị cắt bởi đường 0.0 theo hướng từ trên xuống trong một xu hướng giảm thì bạn hãy vào lệnh Sell.

Khi các đường này được thêm vào, các tín hiệu gây nhiễu sẽ bị loại bỏ bớt nhiều hơn so với đường 0.0. Các đường này thường được gọi là “mở rộng vùng trung tâm”. Thông thường, vùng trung tâm sẽ là đường 0.0 nhưng trong trường hợp này, nó sẽ được mở rộng thêm ra thành một vùng lớn hơn được giới hạn bởi 2 đường mà bạn thêm vào.

Bước 3: Đặt take – profit và Stop – loss

  • Tại đỉnh gần nhất (lệnh Sell) hoặc đáy gần nhất (lệnh Buy), bạn hãy tiến hành đặt Stop loss.
  • Khi đường CMF cắt đường 0.0 hoặc 0.5 theo hướng từ dưới lên (lệnh Sell) hoặc cắt đường 0.0/ – 0.5 theo hướng từ trên xuống (lệnh Buy) thì bạn tiến hành đặt Take profit.

Ví dụ

Minh họa cặp AUD/USD tại khung thời gian H1
Minh họa cặp AUD/USD tại khung thời gian H1

Khi đỉnh và đáy sau được tạo bởi giá cao hơn đỉnh và đáy trước thì đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đang trong xu hướng tăng. Lúc này, bạn sẽ vào lệnh bằng cách chờ đời đường CMF cắt đường 0.05 hoặc 0.0 theo chiều từ dưới lên.

Tại vị trí số 1, bạn vào lệnh Buy khi CMF cắt 0.05 từ dưới lên. Tại đáy gần nhất trước đó, hãy đặt Stop loss.

Tại vị trí số 2, các bạn có thể đóng lệnh ngay khi đường CMF cắt đường -0.05 từ trên xuống. Bạn cũng có thể đóng lệnh khi xuất hiện tín hiệu trendline của xu hướng tăng bị phá vỡ bởi giá. Tại vị trí số 3, trendline đã bị giá phá vỡ và vượt xuống thấp hơn so với đáy gần nhất trước đó.

Đây chính là dấu hiệu cho sự đảo chiều giảm. Ngay khi giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ của đáy gần nhất trước đó thì bạn có thể đóng lệnh, đó cũng chính là thời điểm đóng cửa của cây nến giảm được khoanh tròn trong hình. So với tín hiệu ở vị trí số 2 thì tín hiệu đóng lệnh tại vị trí 3 xuất hiện sớm hơn nhưng không đáng kể.

Lưu ý

Nếu bạn sử dụng tín hiệu giao cắt giữa đường 0.0, +/-0.05 với đường CMF để giao dịch thì nên chú ý một điều kiện: nếu “đường cắt đủ dài” thì áp lực mua bán cũng khá mạnh mẽ và rõ ràng. Điều đó có nghĩa là nếu đường +0.05 bị cắt từ dưới lên bởi đường CMF thì ít nhất xuất phát điểm của CMF phải nằm dưới đường -0.05, sau đó nó tăng dần lên và giao cắt với +0.05. Hoặc nếu đường 0.0 bị đường CMF cắt từ trên xuống thì xuất phát điểm của CMF sẽ ở tại vị trí cách đường 0.0 ở phía trên một khoảng đủ lớn, sau đó giảm dần và giao cắt với đường 0.

Sử dụng tín hiệu giao cắt mở rộng trong giao dịch với CMF

Chúng ta có thể giao dịch với tín hiệu giao cắt giữa đường CMF và các đường rộng hơn như +/- 0.1, +/-0.2 và +/- 0.15 bằng cách áp dụng điều kiện “mở rộng vùng trung tâm” và “đường cắt đủ dài” nêu trên. Bạn sẽ lựa chọn các đường phù hợp dựa vào mức độ biến động tại thị trường mà bạn đã chọn. Vùng trung tâm càng rộng thì càng ít tín hiệu gây nhiễu nhưng tần số các tín hiệu giao cắt xuất hiện cũng trở nên hiếm hoi hơn. 

Điều đặc biệt của chiến lược này là không cần đáp ứng điều kiện giao dịch thuận xu hướng. CMF giảm một mạch từ trên xuống hoặc tăng một mạch từ dưới lên là minh chứng cho sự xuất hiện của một dòng tiền khá lớn. Thị trường đang phân phối để kéo giá xuống sâu hơn hoặc đang tích lũy để đẩy giá lên cao nhằm bắt đầu một xu hướng mới.

Giả sử các bạn áp dụng tín hiệu giao cắt giữa đường +/-0.1 và đường CMF thì sẽ vào lệnh theo hướng dẫn sau:

  • Khi CMF cắt 0.1 theo hướng từ dưới -0.1 đi lên thì vào lệnh Buy.
  • Khi CMF cắt -0.1 từ trên 0.1 xuống thì vào lệnh Sell.

Ví dụ 1

Minh họa cặp AUD/USD tại khung thời gian H1
Minh họa cặp AUD/USD tại khung thời gian H1

Có thể thấy tại vị trí số 1, đường CMF cắt đường 0.1 theo hướng từ dưới đường -0.1 lên. Say khi CMF vượt lên trên 0.1 thì bạn có thể vào lệnh.

Tại đáy gần nhất trước đó, đặt Stop loss cách vị trí này một đoạn. Khi CMR đảo chiều giảm mạnh, cắt xuống dưới đường -0.1 theo hướng từ trên đường 0.1 xuống tại vị trí số 2 thì thực hiện đóng lệnh, chốt lời.

Ví dụ 2

Minh họa cặp USD/JPY tại khung thời gian H1
Minh họa cặp USD/JPY tại khung thời gian H1

Tại vị trí số 1, tín hiệu bán xuất hiện khi đường CMF giảm mạnh theo hướng từ  trên đường 0.1 xuống dưới đường -0.1. Ngay sau khi CMF và -0.1 có sự giao cắt thì các bạn có thể vào lệnh Sell tương tự như cách giao dịch ở ví dụ trên. Tuy nhiên, các trader chuyên nghiệp thường sẽ chờ đợi thị trường diễn ra một đợt pullback chứ không vào lệnh ngay. 

Hiện tượng này có thể giải thích như sau: trong giai đoạn phân phối, các “ông lớn” muốn bán ra với giá cao hơn nên tìm cách đẩy giá lên cao hơn một chút.

Khi đợt pullback kết thúc, giá sẽ đi xuống vị trí số 2, phá vỡ đường 0.0, lúc này hãy vào một lệnh Sell. Cách các đỉnh gần nhất một đoạn nhỏ, hãy đặt Stop loss tại đó. Khi CMF đảo chiều và có dấu hiệu tăng mạnh, cắt đường 0,1 từ dưới -0.1 lên thì hãy đóng lệnh và chốt lời.

Lưu ý

Khi CMF pullback đi trên đường 0.0 thì xu hướng giá vẫn tăng nhưng không vượt được đỉnh trước đó. Ngược lại, nếu CMF pullback di chuyển xuống dưới đường 0.0 thì giá vẫn giảm nhưng không vượt được đáy trước đó. Nếu điều kiện này không được thỏa mãn thì sẽ không gọi là pullback.

Vậy nếu CMF không pullback đường 0.0 thì điều gì sẽ xảy ra và nếu pull back nhiều lần thì sẽ thế nào?

Trở lại với ví dụ 1, các trader có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội vào lệnh tốt nếu như chờ đợi xảy ra pullback. Tuy nhiên trên thực tế, CMF có pullback đường 0.0 với thời gian khá dài. Nếu các trader vào lệnh sau đợt pullback dài hạn này thì có thể mang về lợi nhuận nhưng không nhiều và có thể coi là giao dịch không hiệu quả với tỷ lệ R:R thấp.

CMF pullback khá dài với đường 0.0
CMF pullback khá dài với đường 0.0

Trường hợp diễn ra nhiều đợt pullback thì sau mỗi giai đoạn đó, các bạn có thể gia tăng lợi nhuận bằng cách thêm vào lệnh mới.

Sử dụng tín hiệu phân kỳ/ hội tụ của CMF với đường giá trong giao dịch

Với nhóm chỉ báo giao động thì đây là một chiến lược rất đỗi quen thuộc và có thể áp dụng với chỉ báo CMF.

  • Hội tụ: Khi CMF tạo đáy cao hơn nhưng giá tạo đáy thấp hơn nghĩa là đà giảm giá đang yếu dần và khả năng cao thị trường sẽ đảo chiều tăng. Lúc này bạn có thể thực hiện một lệnh Buy.
  • Phân kỳ: Khi CMF tạo đỉnh thấp hơn nhưng giá lại tạo đỉnh cao hơn nghĩa là đà tăng của xu hướng đang yếu dần và khả năng cao thị trường sẽ đảo chiều giảm, cho thấy một tín hiệu vào lệnh Sell.

Ví dụ cụ thể:

Minh họa cặp GBP/USD tại khung thời gian H1 với tín hiệu hội tụ, phân kỳ
Minh họa cặp GBP/USD tại khung thời gian H1 với tín hiệu hội tụ, phân kỳ

Hiện tượng phân kỳ/ hội tụ giữa CMF và giá cũng giống như các tín hiệu khác – thường xuyên tạo nên các tín hiệu sai, nhất là khi xu hướng thị trường đang tăng hoặc giảm mạnh.

Tín hiệu hội tụ và phân kỳ sai giữa CMF và đường giá
Tín hiệu hội tụ và phân kỳ sai giữa CMF và đường giá

Theo như hình trên, giá vẫn giảm xuống khi tín hiệu phân kỳ giữa CMF và giá xuất hiện. Tuy nhiên đây chỉ là một đợt điều chỉnh nhỏ trong một xu hướng đang trên đà tăng mạnh.

So với giao dịch thuận xu hướng thì giao dịch với tín hiệu hội tụ, phân kỳ sẽ khó tiếp cận hơn bởi đó là một loại giao dịch đảo chiều, Ngoài ra, không phải tín hiệu nào mà Chaikin Money Flow tạo ra cũng là luôn đúng. Vì thế, các trader khi sử dụng CMF nên kết hợp với các công cụ phân tích kỹ thuật khác như các mô hình nến, mô hình giá, chỉ báo hay giao dịch theo tin tức,… để có kết quả khả quan hơn.

Kết luận

Bài viết trên đây đã giải đáp Chaikin Money Flow (CMF) là gì và cung cấp các thông tin đầy đủ về loại chỉ báo này. CMF được đánh giá là chỉ báo volume hiệu quả nhất nên các trader chuyên nghiệp cũng thường xuyên tìm đến công cụ này. Hy vọng rằng bạn cũng sẽ có những giao dịch thành công với chỉ báo CMF.

Xem thêm:

Thị trường Forex có phù hợp với lý thuyết Hộp Darvas?

Hướng dẫn giao dịch sử dụng Volume Spread Analysis

Phương pháp Wyckoff với 5 bước tiếp cận thị trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *